Biếm hoạ về đề tài văn hoá ứng xử: Suy ngẫm cùng “Chực chờ”

VHO- 400 tác phẩm dự thi Giải Biếm họa báo chí Việt Nam- Cúp Rồng tre lần V đã xoáy sâu vào những mặt trái của văn hóa ứng xử, là những câu chuyện từng khiến dư luận bức xúc hoặc vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong đó, tập trung nhiều nhất là về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.

Biếm hoạ về đề tài văn hoá ứng xử: Suy ngẫm cùng “Chực chờ” - Anh 1

 Tác phẩm “Chực chờ” - giải Nhất của tác giả Lê Diệu Bang

Tiếp nối dư âm của triển lãm tranh biếm đề tài “Phòng, chống tham nhũng do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) tổ chức, Giải Biếm họa báo chí Việt Nam chủ đề “Ứng xử văn hóa, Xã hội văn minh” tiếp tục cất lên những tiếng cười thâm thúy, sâu cay. 
“Gãi” đúng chỗ ngứa 
Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL), triển lãm do Cục tổ chức mới đây với chủ đề “Phòng, chống tham nhũng” đã thu hút một số lượng lớn khách tham quan, hiệu ứng xã hội không nhỏ. Đến triển lãm này, tranh biếm lại tiếp tục đóng vai trò là những tiếng cười phản biện chua cay, phê phán những lệch lạc trong văn hóa ứng xử của xã hội đương đại. “Trong bối cảnh xã hội còn nhiều vấn đề nóng thì đây chính là lúc tranh biếm họa lên tiếng, góp một tiếng nói xây dựng xã hội nhân văn hơn. Mặt khác, đề tài “Ứng xử văn hóa, Xã hội văn minh” được lựa chọn rất trúng thời điểm. Văn hóa ứng xử vẫn là một điểm nóng mà các họa sĩ biếm thông qua những tác phẩm của mình để phản ánh và cảnh tỉnh xã hội…”, họa sĩ Vi Kiến Thành nói. 
Trưởng BTC Giải thưởng, ông Lê Xuân Thành (TBT Báo Thể thao & Văn hóa) chia sẻ, khởi đầu giải thưởng đã khiến BTC có phần lo lắng. Bởi chủ đề “Ứng xử văn hóa, Xã hội văn minh” có vẻ như hơi “nhẹ”, nhất là trước đó lại có Giải biếm họa chủ đề “Phòng, chống tham nhũng” của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Nhưng cuối cùng, giải thưởng đã thành công ngoài sức mong đợi. Chủ đề “Ứng xử văn hóa, Xã hội văn minh” hóa ra lại khơi gợi trúng vào chỗ rất bức xúc trong xã hội hiện nay. “Văn hóa ứng xử trong giao thông, trong y tế, trong học đường... và đặc biệt là văn hóa ứng xử trên mạng ảo chính là những chủ đề nóng bỏng, nói như ngôn ngữ của báo mạng hiện nay, là hot trend, của cả xã hội…”, ông Lê Xuân Thành cho biết. 
Văn hóa ứng xử là một chủ đề rộng và bởi thế, từ khóa “Ứng xử văn hóa, Xã hội văn minh” như đã “gãi”… đúng chỗ ngứa, khơi nguồn cảm hứng để các họa sĩ biếm sáng tạo nhiều tác phẩm thú vị, chất chứa tiếng cười sâu cay. Sau 8 tháng phát động (từ 4 - 12.2018), cuộc thi đã thu hút khoảng 400 tác phẩm dự thi. Trong đó, có tới trên 30% số tranh dự thi đã chọn đề tài văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Điều đó đã phản ánh rất chính xác nỗi lo của toàn xã hội. Mặt trái của mạng xã hội đã được các họa sĩ biếm thể hiện bằng những hình ảnh trực quan, sống động, đôi khi khiến người xem phải giật mình. Chuyện câu like, “ném đá” người khác trên facebook, chuyện tin đồn trên mạng xã hội đang “truy sát” các nạn nhân bất hạnh... là câu chuyện được nhiều bức tranh đề cập đến. 
Điển hình như ở tác phẩm được trao giải nhất mang tên “Chực chờ” của họa sĩ Lê Diệu Bang (bút danh Méo), tác giả đã xếp hình logo Facebook bằng những que diêm, bên cạnh đó, một người dùng đang “chực chờ” tung lên một thông tin “hot”. Người dùng ấy như một que diêm đang cháy có thể “kích nổ” cả mạng xã hội cũng đang trong trạng thái “chực chờ”. Nhận thức được sức ảnh hưởng của thông tin mình sắp đưa lên và biết kiềm chế, biết nhận thức đúng- sai, tốt- xấu trước những “ngòi nổ” vừa xuất hiện, đó là lời khuyên cho cả hai phía đang rập rình “chực chờ”. Và đó cũng là một thái độ cần có của mỗi người khi đưa cũng như khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội. 
Thủ pháp của biếm họa, dĩ nhiên có sự “phóng đại hóa” nhưng cứ qua các con số thống kê lạnh lùng vào năm nay, thì có thể thấy rằng, biếm họa đang cung cấp một bức tranh rất thực tế về sự “phát tác” của mạng xã hội. 

Biếm hoạ về đề tài văn hoá ứng xử: Suy ngẫm cùng “Chực chờ” - Anh 2

Tác phẩm “Lịch chăm mẹ ốm” của họa sĩ Nguyễn Đức Trí đoạt giải Khuyến khích 

Lời cảnh tỉnh… 
Những cảnh báo của biếm họa có thể không mới, nhưng có sức phản tỉnh rất mạnh mẽ. Không đao to búa lớn, “Lịch chăm mẹ ốm” của họa sĩ trẻ Nguyễn Đức Trí là một nụ cười mỉa mai thấm thía. Mẹ ốm không chăm, ngồi chơi Facebook nhưng trên mạng ảo lại đóng vai một người con hiếu thảo với status: “Mẹ chóng lành bệnh nhé” để nhận vô số like, love, để rồi “tự sướng” với vai diễn đó của mình. 
Nhưng đương nhiên, các họa sĩ không cực đoan đến mức “anti” cả mạng xã hội. Cũng như trong cuộc sống, mạng xã hội có tính chất hai mặt của nó. Một tin xấu hay một tin tốt khi được đưa lên đó đều có thể bùng nổ thành sóng thần dư luận. Bên cạnh giải nhất cho tác phẩm “Chực chờ”, BTC và Hội đồng giám khảo còn trao 2 giải nhì, 2 giải ba và 4 giải khuyến khích. 
Họa sĩ Thành Chương, Giám khảo của Giải Biếm họa năm nay cho rằng, tạm chia biếm họa thành hai loại, loại đả kích và loại hài hước. Theo ông, bao giờ vẽ đả kích cũng rất thú vị vì được dùng ngòi bút để “đâm mấy thằng gian”. Còn vẽ hài hước thì rất khó, phải dùng hình ảnh để tạo ra tiếng cười. Bấy lâu nay có những cái cười mà đem ra cười mãi thì cũng nhạt. Các tranh biếm họa hiện nay, không đả kích hay hài hước hoàn toàn mà kết hợp cả hai, mang tính chất châm biếm vào những thói hư tật xấu, tạo tiếng cười lành mạnh. Nhưng điều quan trọng là đề tài Giải biếm họa năm nay, theo họa sĩ Thành Chương là rất phù hợp, vì trong đời sống xã hội bây giờ, những cái phản cảm, thiếu văn minh rất nhiều. Dùng ngòi bút để châm biếm, để lại những bài học là cách để thay đổi thực trạng này, dù điều đó không dễ chút nào. 
Họa sĩ Lý Trực Dũng, thành viên BGK, “kiến trúc sư” của Giải biếm họa báo chí Việt Nam chia sẻ, đề tài “Ứng xử văn hóa, Xã hội văn minh” nghe thì dễ nhưng thực sự khó. Biếm họa chống tham nhũng, giao thông, bảo vệ môi trường thì rất cụ thể. Còn nếu nói hài hước thì đề tài ứng xử văn hóa lại rất khó “nhằn”. Qua 400 tác phẩm dự thi, các tác giả sử dụng sức mạnh của biếm họa để phê phán những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử, cổ vũ những hành động văn hóa, văn minh trong các quan hệ ứng xử trong xã hội, đồng thời bày tỏ mong muốn về một môi trường xã hội văn minh trong ứng xử. 
Bên cạnh những bức tranh “bút sắt” trực diện, với tính chiến đấu cao, cũng có khá nhiều những bức tranh biếm đầy chất... siêu thực. Cùng gia đình đang ngồi trên ghế đá công viên buổi tối, trước cảnh biểu hiện tình cảm thái quá, thiếu lịch sự của đôi trai gái trên ghế đá bên cạnh, ông bố đã “buộc túm” ánh đèn cao áp lại thành tấm màn che. “Nhiệm vụ bất khả thi” này là để đứa trẻ con ông khỏi phải nhìn thấy cảnh chướng tai gai mắt nơi công cộng. Đó là lời nhắc nhở kín đáo, nhỏ nhẹ. 
Vượt lên những câu chuyện thời sự hằng ngày, biếm họa có sức sống lâu bền là nhờ những bài học thấm thía và trực quan mà nhiều tác phẩm tham dự giải thưởng năm nay đã thể hiện khá rõ. 

PHƯƠNG ANH 

Ý kiến bạn đọc